TẢN MẠN VỀ CÁNH BƯỚM TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH

Lượt xem:

Đọc bài viết

TẢN MẠN VỀ CÁNH BƯỚM TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH

                                                          Nguyễn Địch – Trường THPT Sơn Mỹ

        Mỗi nhà thơ cũng như mỗi tác phẩm của họ đều có số phận riêng của nó. Nghĩa là sự tồn tại chân giá trị khách quan của nhà thơ ấy, tác phẩm ấy phải trải qua sự thử thách của thời gian và lịch sử. Trong nhiều trường hợp, chân giá trị ấy vượt khỏi tầm nhận thức của người cùng thời.

        Nguyễn Bính là nhà thơ rất nổi tiếng đương thời và dường như mọi người Việt Nam đều biết đến thơ ông nhưng ông chưa bao giờ được hưởng vinh quang chói lọi như ông đáng được hưởng. Nhà thơ “Chân quê” ấy sống bình dị trong nghèo khổ, cơ cực, hòa trộn với cuộc sống của mọi người bình thường. Là một nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới, mang tầm vóc của một nhà thơ lớn nhưng Nguyễn Bính luôn là đứa  con đích thực của làng quê. Làng quê đã ban cho ông tâm hồn chất phác của thôn dã cũng như những giá trị văn hóa tinh thần được hun đúc tự bao đời. Cuộc đời lang bạt kỳ hồ đầy đau khổ, đắng cay nhưng thơ ông vẫn hồn hậu như hạt lúa, củ khoai, như những bài ca dao. Ông là nhà thơ có tài trong việc đặc tả những nét riêng của làng quê Việt Nam mà ít có nhà thơ nào làm được. Vì thế mà thơ ông dễ đi vào lòng người, thoát khỏi sự đào thải của thời gian hòa vào nguồn thơ rộng lớn của dân tộc và nhân loại.

Thơ Nguyễn Bính có rất nhiều hình ảnh của làng quê như bến đò, hàng cau, giậu mồng tơi, giếng nước, vườn trầu, hàng cau, thôn Đông, thôn Đoài…; và hình tượng con bướm cứ bay đi bay lại chập chờn trong nhiều trang sách. Trong mỗi bài, hình tượng ấy lại hiện ra với những cung bậc tình cảm khác nhau. Có bài, hình tượng con bướm trở thành hình tượng trung tâm của tác phẩm. Tôi đã đọc nhiều lần và cứ suy nghĩ mãi, tín hiệu ấy mang ý nghĩa thẩm mỹ gì?

  1. Con bướm – hình bóng của thi nhân

      Giữa sự vật và ý nghĩa thẩm mỹ của nó luôn có một mối quan hệ nhất định. Bản thân sự vật tự nó chưa mang ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa này chỉ có khi con người khoác lên cho nó dựa trên những mối liên hệ mật thiết với tên gọi, hình dáng, phẩm chất, thuộc tính nào đó của sự vật. Điều này cũng có nghĩa là ở một sự vật có thể tồn tại nhiều khía cạnh, phương diện có khả năng gợi liên tưởng trong thơ ca. Thực chất ý nghĩa của hình tượng con bướm trong thơ Nguyễn Bính là mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt (con bướm và ý nghĩa thẩm mỹ của hình tượng con bướm).

       Nguyễn Bính có một tập thơ đầu tay mà nhà thơ rất trân trọng là tập thơ “Bướm”. Nhà thơ tự nhận tiền thân của mình là “Bướm” nên lấy bút danh là Điệp Lang, tự coi mình là Hồ Điệp. Bên cạnh tập thơ đó, nhà thơ còn có một bộ sưu tập khá công phu về những cánh bướm đủ loại, đủ cỡ, đủ màu sắc. Điều đó chứng tỏ nhà thơ trân trọng con bướm biết nhường nào.

      Năm 1938, Nguyễn Bính viết “Truyện cổ tích”. Đây là câu chuyện tưởng tượng được kể theo lối truyện kể dân gian bằng thơ:

          Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm

          Kén nhân tài mở Điệp lang khoa

          vua không lấy Trạng, vua thề thế

          Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

          Bài thơ dẫn người đọc vào không khí của truyện cổ tích như đề bài đã nói. Người đọc bị cuốn hút theo diễn biến của câu chuyện để đến cuối bài thơ mới à lên thú vị vì đây là chuyện cổ tích của người lớn, của đời nay.

          Trong lối thi cử xưa dưới các triều đại phong kiến, ba vị trí đỗ cao nhất gọi là tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Con bướm vàng ấy không đỗ Bảng nhãn (vị trí cao nhất vì vua không lấy Trạng nguyên) mà chỉ đỗ Thám hoa. Nhưng dù sao thì cũng đỗ cao rồi. Theo cách tính hệ lịch phương Đông (có 10 can: giáp, ất, bính, đinh ….) thì tên nhà thơ là Bính, tương ứng với can thứ ba. Trong quan niệm xưa, người đỗ cao sẽ được trọng dụng, cùng với triều đình gánh việc dân, việc nước. Nhưng một người thích lang bạt kỳ hồ như Nguyễn Bính không thể nào bó mình ở chốn cung đình với lối sống “vào luồn ra cúi”. Vì thế, nhà thơ chỉ mơ mình được đỗ hàng thứ ba thôi. Nhưng điều may mắn, có lẽ cũng là ước muốn của thi nhân là nhà vua đã gả công chúa cho vị Thám hoa. Đó là một ước muốn trần gian. Rồi vợ chồng đi chơi lạc lối và được bà tiên phúc hậu rủ về nhà. Nhà thơ tưởng tượng tiếp:

          Đêm ấy chăn êm và gối êm

          Vợ chồng ăn bánh với bà tiên

          Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt

          Chồng hóa làm anh, vợ hóa em.

          Điều ước muốn ấy chỉ có thể xảy ra trong cổ tích. Có lẽ vì thế mà nhà thơ mới mượn cổ tích để bộc lộ lòng mình. Đối với cuộc đời thi sĩ, hạnh phúc luôn mờ ảo, khó nắm bắt, nhanh tan biến. Trong phần lớn thơ mình, Nguyễn Bính thường viết về những mối tình đứt đoạn, những số phận dở dang. Chỉ trong mơ mối tình ấy mới trọn vẹn hạnh phúc. Hình tượng đôi bướm là biểu tượng của hạnh phúc chăng?

Trong bài thơ “Hết bướm vàng”, Nguyễn Bính lại kể chuyện, nhưng không phải là chuyện cổ tích mà là chuyện thực của cuộc đời hiện tại. Trồng cải, cải nở hoa, bướm sang vườn cải, là tín hiệu để mời cô gái đến bắt bướm. Nhưng rồi mùa hoa cải tàn, cô gái cũng vắng bóng. Sang năm hoa lại nở, bướm lại đến nhứng vắng bóng người trong mộng. Bởi vì:

          Em đã sang ngang với một người

          Anh còn trồng cải nữa hay thôi

          Đêm qua mơ thấy hai con bướm

          Khép cánh tình chung ở giữa đời.

          Nếu ở bài thơ “Truyện cổ tích”, nhà thơ mơ bướm hóa mình để được hưởng hạnh phúc trọn vẹn thì ở đây, nhà thơ lại mơ mình hóa bướm để được cùng người “khép cánh tình chung ở giữa đời”. Trang Tử đã từng mơ mình hóa bướm. Nguyễn Bính mơ bướm hóa mình rồi mình hóa bướm. Suy cho cùng đó là sự vận động nội tại của một tâm hồn luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc dù bướm hóa mình hay mình hóa bướm cũng được chứ sao!

Có thể nói với thân hình nhẹ nhàng, màu sắc rực rỡ, vẻ đẹp duyên dáng, đường bay uyển chuyển, hình tượng con bướm gợi nên vẻ đẹp dịu dàng mà quyến rũ. Hình tượng của nó thể hiện mọi cung bậc tình cảm của nhà thơ. Bài thơ “Trường huyện” thể hiện một mối tình thấm đẫm hương thơm của tuổi học trò:

          Lá sen vương vấn hương sen ngát

          Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ

          Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

          Theo về tận cửa mới tan mơ.

          Và khi người con gái ra đi, khung cảnh trở nên tiêu điều, xơ xác. Mối tình chỉ như một giấc mơ. Bướm  hóa thành thi nhân nên giấc mơ tan, mối tình cũng tan theo cánh bướm: “Tình ta như chuyện bướm xưa thôi”.

Độc đáo hơn, Nguyễn Bính còn tưởng tượng hình bóng của mình là hình bóng của con bướm trong mắt người yêu:

          Cành dâu cao, lá dâu cao

          Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em.

          Anh đi đèn sách mười niên

          Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành?

          Thi sĩ lên kinh thành giữa sự ồn ào và lạnh lẽo của chốn phồn hoa đô hội mà vẫn mong mỏi một ánh mắt mang hình bóng con bướm ấm áp của người gái quê hiền hậu, trắng trong.

Cánh bướm tuy mỏng manh nhưng mang bao thông điệp của cuộc đời về tính cách, về số phận của nhà thơ cũng như nội dung chủ đạo và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Bính. “Cánh bướm bay mang một làn sương mỏng”. Một thi sĩ đã viết như thế. Thật là kỳ diệu. Thực và ảo như hòa trộn vào nhau. Trên bước đường phiêu bạt, không phải lúc nào Nguyễn Bính cũng gặp sự bằng phẳng yên ả. Đôi lúc, nhà thơ thấy tâm hồn giá lạnh trước sự thờ ơ của người đời khi “Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”. Và những lúc như thế, Nguyễn Bính lại mượn hình tượng cánh bướm để diễn tả thân phận mình. Tháng 11 năm 1941, Nguyễn Bính đến Huế như một người du khách, như một hạt bụi bị gió cuốn đi, không công hầu, không danh tướng. Thi sĩ nghèo trọ ở xóm Ngự Viên, nơi xưa kia là vườn Thượng uyển. Bài thơ “Xóm Ngự Viên” ra đời ở đó:

          Lâu nay có một người du khách

          Gió bụi mang về xóm Ngự Viên.

          Giậu đổ dây leo suồng sã quá

          Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng.

          Nguyễn Bính lúc này như con bướm giang hồ. Lời trách như lời của một con người từng trải, từng có kỷ niệm với cỏ cây, từng ước mơ, khao khát về cái đẹp. “Cánh bướm nghiêng nghiêng” hay chính là bóng dáng của nhà thơ lách mình tìm lối trước sự vô tình của người đời. Con bướm đỗ Thám hoa trở lại cung đình xưa mà cảm thấy se lòng trước sự tàn tạ của cố đô. Và thế là cánh bướm giang hồ lại tung đôi cánh giữa mênh mông trời đất.

 

  1. Cánh bướm – nhịp cầu của tình yêu

Như trên đã nói, cánh bướm chính là hình bóng của thi nhân. Nhưng ở một góc độ khác ta lại thấy nó là nhịp cầu của tình yêu. Trong thơ Nguyễn Bính, hình ảnh cô hàng xóm xuất hiện rất nhiều lần. Cô chăm chỉ ươm tơ trong “Đàn tôi”, cô rụt rè, e lệ trong “Chờ nhau”, cô hồn nhiên vô tư trong “Xuân về”… Nhưng cũng chính cô là người gây ấn tượng mạnh nhất, in dấu ấn đậm nhất trong tâm hồn nhà thơ. Năm 1940, Nguyễn Bính sáng tác bài thơ “Người hàng xóm”. Đúng là người hàng xóm vì hai nhà ở cạnh nhau, cách một giậu mồng tơi. Nhưng gần mà lại hóa xa. Cái giậu mồng tơi ấy đã ngăn cách hai con người với hai thế giới nội tâm riêng biệt vì hai người đều muốn khép kín trong cô đơn. Thi sĩ vốn đa tình, đa cảm nên muốn vén bức màn trong cái thế giới cô đơn kia. Và thế là:

          Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng

          Có con bướm trắng thường sang bên này.

          Bướm ơi, bướm hãy vào đây

          Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi.

          Quả là nhờ “chiêm bao” nhà thơ mới bắt gặp hình ảnh con bướm trắng để mà trò chuyện, hỏi han. Cảnh nửa thực, nửa mộng này cho phép  trí tưởng tượng của nhà thơ tha hồ bay bổng. Đối với hai con người cô đơn, cái giậu mồng tơi trở thành bức tường ngăn cách, nhưng cái con bướm trắng ấy đã vượt qua ranh giới ngăn cách mỏng manh để bắc chiếc cầu nối giữa hai người. Thi sĩ đã hỏi gì?

          Chả bao giờ thấy nàng cười

          Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

          Mắt nàng đăm đắm trông lên

          Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi.

          Câu hỏi nhỏ mà thi sĩ hỏi bướm với lời lẽ ân cần, vồ vập, chứng tỏ chàng đã quan tâm đến nàng tự lâu rồi. Không những quan tâm mà còn quan sát thường xuyên và chăm chú nhiều lắm mới có thể biết được “chả bao giờ thấy nàng cười”. Hơn nữa, chàng còn biết “mắt nàng đăm đắm trông lên”, nghĩa là nàng không trông ngang, trông sang. Điều đó càng làm tôn phẩm giá của nàng.

Những buổi qua lại của con bướm trắng, những lần theo dõi một cách nuối tiếc cánh bướm về bên ấy làm cho thi sĩ ngẩn ngơ, chìm đắm trong mơ mộng để rồi chợt tỉnh, tự vấn lòng mình:

          Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi

          Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?

          Và khi đã tỉnh thì con người thực đã thay thế cho con người mộng, con người lý trí đã thay thế cho con người cảm xúc. Nhưng vấn đề là ở chỗ, “con bướm trắng hôm nào cũng sang” như tạo cơ hội cho tâm tình được bộc lộ, như rủ rê, như mời gọi. Lòng nhà thơ ngổn ngang bao dấu hỏi:

          Cái gì như thể nhớ mong?

          Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng.

          Những cơn mưa liên tiếp trôi đi chậm chạp trong sự nhớ mong, đợi chờ khắc khoải và cuối cùng, nỗi lo âu khắc khoải đã bộc lộ ra như một lời tự thú. Nhưng đây vẫn chưa phải là cao trào của cảm xúc. Nhà thơ vẫn cố níu kéo chút lý trí còn yếu ớt đang phải tự rút lui nhường chỗ cho con người thật, con người của tình cảm đạt đến cao trào:

          Đêm qua nàng chết thật rồi

          Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng.

          Như vậy, tình yêu đã chiến thắng lý trí hoàn toàn sau bao nhiêu băn khoăn, kìm nén. Giọt nước mắt ở cuối bài thơ là giọt nước mắt của tình yêu. Lời cầu khẩn dẫu muộn nhưng là một sự thú nhận:

          Hồn trinh còn ở trần gian

          Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

          Bài thơ “Người hàng xóm” là bài thơ mà nhân vật trữ tình có cá tính hướng nội. Nhân vật muốn bộc lộ tâm trạng phải vin một sự vật nào đó. Và nhà thơ  đã chọn hình tượng con bướm trắng làm nhịp cầu nối tình yêu.

Thơ Hàn Mặc Tử bàng bạc ánh trăng: Trăng nằm cành liễu, trăng tắm đáy khe, trăng ngân lên thành giai điệu… Thơ Nguyễn Bính chập chờn cánh bướm: Bướm trắng, bướm vàng, bướm tiên, bướm giang hồ… Hồn thơ ông dào dạt tuôn chảy. Ý thơ ông phóng khoáng, tự nhiên. Hầu như khắp thơ ông chúng ta có thể bắt gặp một cánh bướm. Cánh bướm bé nhỏ ấy lại mang thông điệp của cuộc đời, số phận và nhân cách nhà thơ. Khi bay liệng, lúc đứng yên cho ta nhìn ngắm nhưng điều kỳ lạ là nó luôn biến ảo. Thực ở đấy mà mộng cũng ở đấy. Khó mà nắm bắt hết được. Tuy nhiên, nó là nhịp cầu nối giữa tâm hồn bạn đọc với tâm hồn nhà thơ. Đọc thơ ông ta như được trở về với thế giới trinh nguyên của làng quê.

Ngày nay, khi phố phường mọc lên khắp nơi, thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp liệu có còn chỗ cho lũ bướm về?

Bài đăng báo Giáo dục và Thời đại số 89 ngày 14-4-2014