Giới thiệu
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT SƠN MỸ
1985-2021
Th.S Nguyễn Địch – Hiệu trưởng
Nằm ở khu Đông huyện Sơn Tịnh, nay là thành phố Quảng Ngãi, trên Quốc lộ 24B từ cầu Trà Khúc đi cảng Sa Kỳ, cách quốc lộ 1A 13 km về phía đông, có một ngôi trường THPT mang tên Sơn Mỹ – địa danh ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ngôi trường ấy được xây dựng từ 30 năm trước.
Xuất phát từ thực tế đó, theo đề xuất của UBND huyện Sơn Tịnh, UBND tỉnh và Ty Giáo Dục Nghĩa Bình đã phê duyệt phương án xây dựng một ngôi trường THPT mới tại khu Đông huyện Sơn Tịnh đặt tại xã Tịnh Khê, một xã có truyền thống cách mạng đã 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968. Huyện Sơn Tịnh là một huyện có diện tích rộng, dân số đông, nằm trải dài theo hướng Đông – Tây vắt ngang qua quốc lộ 1A, dọc theo hướng sông Trà đổ về biển cả. Sau chiến thắng lịch sử 1975, cả huyện chỉ có một ngôi trường bậc THPT nằm ở trung tâm huyện. Là một vùng đất giàu truyền thống anh hùng nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội là nhu cầu cấp bách. Nhân dân trong huyện hầu hết sinh sống bằng nghề nông, kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, đầu tư cho việc học tập của con em trở thành nan giải.
Trường THPT Sơn Mỹ được thành lập vào ngày 4-9-1985, theo quyết định số 1633/QĐ-UB, ngày 4-9-1985 của UBND tỉnh Nghĩa Bình do Chủ tịch Tô Đình Cơ đã ký.
Năm học 1985-1986 là năm học đầu tiên của trường với tổng số học sinh chưa đến 250 em được chia thành 6 lớp; 02 lớp là học sinh đang học lớp 11 tại trường THPT số I Sơn Tịnh quê ở khu Đông Sơn Tịnh chuyển về và 4 lớp 10 mới tuyển. Ban Giám hiệu và giáo viên chính thức của nhà trường năm học này chỉ có 10 thầy cô giáo; nhà trường phải hợp đồng một số thầy cô giáo ở trường THPT số I Sơn Tịnh và THPT Trần Quốc Tuấn về giảng dạy.
Cơ sở vật chất của trường chỉ có 8 phòng học nhà cấp 4 vừa dùng làm phòng học vừa dùng làm phòng sinh hoạt hội đồng sư phạm, phòng làm việc của Ban giám hiệu và các đoàn thể; và một nhà nội trú gồm có 4 phòng nhỏ làm nơi ở cho các thầy cô giáo ở xa về nhận công tác tại trường.
Mặc dù cơ sở vật chất còn quá nhỏ nhưng để có được một ngôi trường THPT là nỗ lực và quyết tâm lớn của lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, lãnh đạo các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hoà, Tịnh Long, Tịnh Thiện; đặc biệt là sự nhiệt tình, năng nổ của Ban xây dựng do bác Võ Cao Thâm làm trưởng ban. Ai đã từng công tác, học tập tại trường vào những năm tháng ấy, giờ nhìn lại mới thấy sức vươn lên của một ngôi trường!
Từ 6 lớp học với gần 250 học sinh đến năm học 1988-1989 trường phát triển lên được 12 lớp với số lượng gần 500 học sinh. Năm học 1989-1990, số lượng học sinh của trường có chiều hướng giảm. Trước tình hình đó lãnh, đạo huyện Sơn Tịnh và lãnh đạo Sở giáo dục – Đào tạo quyết định sáp nhập trường THCS Tịnh Khê vào trường THPT Sơn Mỹ. Từ năm 1990 đến năm 2000 trường THPT Sơn Mỹ có hai cấp học. Hội đồng sư phạm của nhà trường gần 60 cán bộ, giáo viên; tổng số học sinh trên 1500 em.
Việc nhập bậc THCS vào trường THPT Sơn Mỹ tạo ra được không khí mới. Vượt qua những bỡ ngỡ lúc đầu giữa hai cấp học, cán bộ giáo viên đã thực sự đoàn kết, quyết tâm xây dựng trường THPT Sơn Mỹ ngày càng lớn mạnh. Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được xây dựng thêm 08 phòng học cấp 4 và 10 phòng học kiên cố, phòng thư viện, phòng làm việc của Ban Giám hiệu, phòng sinh hoạt của hội đồng sư phạm p hục vụ cho công tác dạy và học.
Chất lượng dạy và học cũng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS bình quân hàng năm trên 95%, tốt nghiệp THPT trên 90%, tỷ lệ học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng cao hơn giai đoạn 1985-1990, nhiều năm liền có học sinh giỏi cấp huyện và một số năm có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Từ năm học 2000-2001 dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở giáo dục – Đào tạo và lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, bậc THCS của trường THPT Sơn Mỹ tách ra thành lập lại trường THCS Tịnh Khê. Cũng trong năm học này, ngoài hệ Công lập, nhà trường còn tuyển sinh hệ Bổ túc THPT; toàn trường có 60 cán bộ giáo viên, nhân viên với gần 1700 học sinh được chia thành 37 lớp. Số lượng học sinh tăng, giáo viên thiếu, phòng học xuống cấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu là những khó khăn mà nhà trường phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều tháng liền, nhà trường phải dùng phòng hội trường, phòng họp hội đồng sư phạm, phòng thư viện để dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém.
Từ năm học 2002-2003, số lượng học sinh của nhà trường tăng lên gần 2000, nhiều giáo viên mới được phân công về công tác tại trường. Tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo Sở giáo dục, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, nhà trường đã san lấp mặt bằng, xây xong hệ thống tường rào, đưa đường dây điện cao thế ra khỏi khuôn viên trường học, chuyển dời gần 50 ngôi mộ ra khỏi khu vực của nhà trường, xây dựng 08 phòng học mới được đưa vào sử dụng trong năm học 2005 – 2006. Số lượng giáo viên và học sinh ổn định, phong trào dạy và học có nhiều khởi sắc. Nhà trường được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia giao đoạn 2001-2010.
Từ năm học 2010-2011, số lượng học sinh có xu hướng giảm; đến năm học 2014-2015, toàn trường có 1.200 học sinh chia thành 30 lớp, 86 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Năm học 2020-2021, số lượng học sinh của nhà trường là 1147 em, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên là 76 người
Từ buổi ban đầu có 10 thầy cô giáo, đến nay trường đã có 76 cán bộ, giáo viên và nhân viên được phân thành 7 tổ chuyên môn (tổ Toán, tổ Vật Lý, tổ Hóa – Sinh, tổ Thể Dục – GDQP AN, tổ Văn, tổ Sử – Địa – GDCD, tổ Ngoại ngữ) và tổ Văn phòng. Tất cả giáo viên nhà trường đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 7 Thạc sĩ. Có trên 50% giáo viên của trường đạt danh hiệu GVDG cấp tỉnh. Cơ sở vật chất được tăng cường hàng năm, đến nay trường có 3 dãy phòng học kiên cố, 1 dãy phòng thực hành, 1 thư viện đạt chuẩn Quốc gia, 1 nhà luyện tập đa chức năng, các phòng sinh hoạt dành cho tổ chuyên môn, đoàn thể, và khu nhà Hiệu bộ.
Là một ngôi trường nằm ở vùng kinh tế khó khăn nhưng với lòng yêu nghề của thầy cô giáo và tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập của học sinh, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được cải thiện. Năm học 2004-2005 có 01 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây là học sinh đầu tiên của nhà trường đạt được danh hiệu này kể từ khi trường được thành lập đến nay. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân trên 98%, học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng từ 25% đến 30%, đặc biệt năm học 2013-2014 đạt 37%. Cũng trong năm học này, em Phạm Tâm Bình đạt giải nhất tuần và nhất tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thầy Nguyễn Thanh Tân đạt danh hiệu GVDG cấp Quốc gia môn GDQP-AN. Nhà trường nhiều năm liền được khen tặng danh hiệu TTLĐ tiên tiến, TTLĐ xuất sắc; được tặng bằng khen của UBND tỉnh, năm 2008 được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm 2015 được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt với những thành tích đạt được nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao Động hạng Ba năm 2015.
. Các phong trào văn nghệ, thể dục – thể thao đều đạt thành tích tốt. Nhà trường đã thực hiện tốt các cuộc vận động: xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Hai không”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Học sinh cũ của trường nhiều em thành đạt trở thành nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan, thầy giáo, cán bộ công chức… làm vẻ vang thêm truyền thống của nhà trường.
Chi bộ Đảng có 32 đảng viên đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện các hoạt động trong nhà trường. Từ nghị quyết của Chi bộ, chính quyền và các đoàn thể đã cụ thể hóa bằng kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, khen thưởng. Các đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện tốt nghị quyết Chi bộ. Công tác phát triển đảng được quan tâm, hàng năm kết nạp từ 2 đến 4 đảng viên mới. Chi bộ nhiều năm liền đạt “Trong sạch vững mạnh”.
Những kết quả mà đơn vị đạt được còn nhờ vào sự đóng góp của tập thể CB-GV-CNV mà trong đó vai trò của các đoàn thể quần chúng trong nhà trường góp phần không nhỏ. Xác định được điều đó, trường đã xây dựng mối quan hệ với đoàn thể trong nhà trường trên tinh thần dân chủ, thông qua việc xây dựng quy chế làm việc giữa Ban Giám hiệu và Ban chấp hành Công Đoàn. Công Đoàn đã phối hợp cùng với chính quyền vận động các công đoàn viên tham gia tốt các hoạt động của nhà trường và các hoạt động xã hội khác như đóng góp xây dựng nhà tình thương, thực hiện trợ cấp khó khăn, chăm lo cho đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, kịp thời cùng với nhà trường tổ chức tham quan học tập, khen thưởng, thăm hỏi hiếu hỷ, ốm đau, chăm lo cho con em của công đoàn viên, ủng hộ vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị bão lụt, đóng góp phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng …và tham gia các phong trào cấp Sở đều đạt giải.
Hàng năm Công đoàn cũng đã tham gia giới thiệu từ 2 đoàn viên ưu tú trở lên cho Đảng để xem xét kết nạp. Công đoàn nhà trường luôn đạt “vững mạnh – xuất sắc” nhiều năm liền, được Liên đoàn lao động tỉnh, công đoàn GD Việt Nam tặng bằng khen.
Đoàn trường đã lãnh đạo tốt hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên trong nhà trường, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, kỹ năng sống, kỹ năng đoàn viên…Đoàn trường nhiều năm liền được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận là Đoàn trường vững mạnh xuất sắc hạng nhất và được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen.
Tự hào với những thành tích đã đạt được, cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại, các thế hệ thầy cô giáo trường THPT Sơn Mỹ vẫn tin tưởng rằng sự nghiệp giáo dục của nhà trường không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Nhân dân và lãnh đạo các cấp có quyền đòi hỏi ở chúng tôi những thành quả lớn hơn, và bản thân chúng tôi cũng rất tự giác trước nhiệm vụ của mình. Với tâm thế sẵn sàng của người chiến sĩ trên mặt tận giáo dục, cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn trường sẽ mang hết tâm trí, sức lực của mình tiếp tục sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
********