CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ NGHE CHIM KỂ CHUYỆN TRÊN ĐỒI CHỐT

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nguyễn Địch – Trường THPT Sơn Mỹ

         CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ NGHE CHIM KỂ CHUYỆN TRÊN ĐỒI CHỐT

     Hoàng Nhuận Cầm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Đang học dở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, anh tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc, tham gia chiến đấu trong sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Trong cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1972-1973, cùng với Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm được trao giải nhất với các bài thơ: “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la Nhật ký”. Hoàng Nhuận Cầm là tác giả trẻ nhất của cuộc thi thơ đó. Những bài thơ đạt giải được viết khi anh mới hai mươi tuổi. Với giải thưởng này, Hoàng Nhuận Cầm đã cho thấy anh là một khuôn mặt thơ sáng rõ, khá nổi trội trong thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Trong chùm thơ trên, tôi thích nhất bài thơ “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”.

“Ngụy trang công sự xong rồi
Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim
Cứ ôm khẩu súng ngồi yên
Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.
Thản nhiên cơn gió chạy qua
Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?

Ngây thơ là chuyện chim ri
Khoác lác nhất nhì, chuyện sáo sậu thôi!
Chuyện nghe như ở đâu rồi
Là lời chú vẹt đang ngồi góc kia.
Mạ ơi… đất nước cắt chia
Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim…

Nón tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm
Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im
Mà rồi cái phút làm quen
Lại là cái phút cùng chim xa rồi:
Là khi xác trực thăng rơi
Là khi xác giặc quanh đồi ngổn ngang…”

         

Trên báo Tiền phong số 45, ngày 10 tháng 11 năm 2002, Nguyễn Hoàng Sơn đã nhận định về các nhà thơ đạt giải trong cuộc thi thơ năm 1972-1973 như sau: “Bên cạnh một Nguyễn Duy già dặn, từng trải, một Nguyễn Đức Mậu còn vương lửa khói và đất bụi chiến hào, một Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhõm, giàu nữ tính là một Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung, tươi rói như màu quân phục mới, như tiếng chim cất lên trên vòm me sân trường …”. Đúng như nhận định trên, Hoàng Nhuận Cầm là một đại diện tiêu biểu cho lứa tuổi sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ mới, qua ngưỡng cửa nhà trường vào ngay cuộc chiến tranh rộng lớn, ác liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những nhà thơ – chiến sĩ khác xa với lớp nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp năm xưa. Họ không phải mất nhiều thời gian để nhận đường bởi họ được sinh ra và nuôi dưỡng trong lòng chế độ mới. Họ lại được trang bị tri thức trong những năm ngồi trên ghế nhà trường. Hoàng Nhuận Cầm cũng thế. Vì vậy anh bước vào cuộc chiến với một tư thế mới và nhìn cuộc đời bằng đôi mắt “xanh non”.

          Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là anh bộ đội ngồi nghe tiếng chim giữa hai trận đánh. Đằng sau những câu thơ là một cái nhìn tin cậy, thương yêu đối với cuộc đời. Cái nhìn ấy được thể hiện bằng một phong vị trữ tình thấm đẫm những mơ mộng, khát khao. Đôi lúc cảm xúc lãng mạn được đẩy lên đến độ thần thoại hóa những nét thực của đời sống thường ngày. Đó là giây phút yên tĩnh dường như tuyệt đối của tiếng súng chiến trường để bầy chim tha hồ kể chuyện. Hiện thực dữ dội, ác liệt của cuộc chiến đấu ít được nói đến. Dường như anh muốn diễn tả cái hiện thực bên trong của đời sống nội tâm, không phải chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai mà bằng cảm nhận của tâm hồn.

          Ở chiến trường, tất nhiên là có âm thanh của tiếng súng. Nhưng tác giả tỏ ra rất nhạy cảm với các âm thanh của cuộc sống đời thường. Có người đã nói rằng: “Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Có phải vì thế mà những âm thanh của cuộc đời sôi nổi, náo nức luôn được nói đến trong chùm thơ. Đó là âm thanh của tiếng chim, tiếng hát, tiếng nhạc la, tiếng gà báo sáng, tiếng tắc kè liếm lưỡi. Đặc biệt, có âm thanh mà người bình thường không thể nghe thấy cũng được tác giả cảm nhận: tiếng lá thở. Thính giác nhạy bén và tâm hồn giàu cảm xúc giúp nhà thơ kịp nắm bắt và lưu giữ những âm thanh kia.

          Không gian và thời gian nghệ thuật trong bài thơ là những lát cắt của đời sống: Một ngọn đồi, nơi dừng chân trên đường hành quân, trong một đêm. Trong khoảng không gian hẹp và thời gian ngắn ấy, nhà thơ đã kịp ghi lại những biến động sâu sắc của nội tâm bằng những vần thơ ngọt ngào. Đấy là những xúc cảm của lứa tuổi hai mươi tràn trề nhựa sống, giàu mơ mộng và cũng ý thức sâu sắc nhiệm vụ của mình trước vận mệnh của Tổ Quốc.

          Đọc bài thơ này dù là lần đầu, tôi có cảm giác như đã từng đọc ở đâu đó về một khoảnh khắc yên tĩnh diệu kỳ giữa hai trận đánh. Hình như là ở Trận phố Ràng của Trần Đăng, những chiến sĩ trong giờ nghỉ giữa hai trận đánh tranh luận với nhau về cào cào, châu chấu, con nào bằng đầu, con nào nhọn đầu. Nhà văn Trần Đăng, bằng thể loại ký sự, muốn khắc họa chân dung người lính xuất thân từ những nông dân. Còn ở Hoàng Nhuận Cầm lại không phải thế. Ở đây ta gặp một tâm hồn rộng mở để đón nhận tiếng vọng của núi rừng.

          Bài thơ được chia làm ba khổ ghi lại ba khoảnh khắc của cảm xúc. Mở đầu là hoàn cảnh nghe chim kể chuyện, rồi đến tiếng chim kể chuyện và kết thúc là dư âm của tiếng chim trong ký ức của người chiến sĩ.

          Khổ thơ đầu kể lại sự việc theo trình tự diễn ra như vốn có. Nhà thơ không dụng công sắp xếp sự việc, vả lại nghe chim kể chuyện mà có dấu ấn của sự sắp xếp thì câu chuyện còn gì thú vị và hấp dẫn nữa:

          “Ngụy trang công sự xong rồi

          Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim

          Cứ ôm khẩu súng ngồi yên

          Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà

          Thản nhiên cơn gió chạy qua

          Tiếng chim lách chách gần xa chuyện gì”.

          Ở đây như có sự phân thân của cái tôi trữ tình: cái tôi chiến sĩ và cái tôi thi sĩ. Cái tôi chiến sĩ xuất hiện trước trong nhiệm vụ “ngụy trang công sự”, ôm súng ngồi canh, “lắp thêm băng đạn” để sẵn sàng chiến đấu. Cái tôi chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ. Cơn gió thản nhiên như vô tình mang theo tiếng chim kể chuyện đã đánh thức cái tôi thi sĩ. Và từ nguyên cớ ấy, cái tôi thi sĩ có điều kiện để bộc lộ những cảm xúc dào dạt của lòng mình bị kìm nén bấy nay.

          Phải nói rằng nhà thơ có sự cảm nhận rất tinh tế về tiếng chim. Loài chim có ngôn ngữ riêng của chúng mà con người bình thường chúng ta không hiểu được. Thế mà nhà thơ đã nghe, đã hiểu và nhận xét rất chính xác về câu chuyện của loài chim. Tiếng “ngây thơ” của chim ri, tiếng “khoác lác” của sáo sậu, tiếng quen thuộc như “nghe ở đâu rồi” của chú vẹt đã nói lên đặc điểm của từng loài. Không có những năm tháng học trò đuổi chim, bắt ve, không có một tấm lòng trước thiên nhiên, tạo vật thì làm sao có được những cảm nhận như thế. Câu thơ:

          “Mạ ơi … đất nước cắt chia

          Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim …”

          Mới đọc lên nghe như vô lý trong chuỗi âm thanh kể chuyện của các loài chim kia. Bởi vì chim cuốc là loài sống ở đầm lầy, ao hồ thì làm sao lại có mặt trên đồi chốt để kể chuyện. Nhưng đọc kỹ, ta sẽ thấy sự hợp lý. Chuỗi âm thanh của các loài chim trong thực tại đã đánh thức âm thanh trong tâm tưởng: âm thanh tiếng cuốc kêu. Nó chạm đến sợi dây tình cảm thiêng liêng vốn đã căng lên trong lòng nhà thơ. Nó gợi nhớ đến hồn Thục đế trong Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến, nỗi “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Đây không phải là tiếng cuốc thật mà là tiếng vọng của hồn nước trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ bây giờ nghe tiếng chim nó chợt bật ra. Câu thơ lắng xuống, nhịp thơ chùng hẳn lại như xoáy vào chiều sâu của tâm tư, nhưng dư âm của nó thì còn vang vọng mãi trong tâm trí người đọc về hiện thực chia cắt của đất nước trong những năm tháng ấy. Tạo được sự liên tưởng như vậy, nhà thơ không chỉ bộc lộ lòng mình mà còn nói lên được tình cảm của cả cộng đồng.

          Khổ thơ thứ ba kết thúc bài thơ tạo nên sự kết hợp độc đáo. Dư âm của tiếng chim còn vang vọng nơi công sự:

          “Nón tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

          Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm”

          Sự kết hợp ấy là dùng cái thấy được để chỉ cái nghe được. Nghe tiếng chim là điều bình thường. Nhưng thấy tiếng chim là điều kỳ diệu. Từ “lăn lăn” tạo ra sự chuyển đổi cảm giác giúp ta hình dung tiếng chim từ cành cây lăn dần, lăn dần xuống hầm và nhập vào hồn người chiến sĩ. Nghe tiếng chim, thấy tiếng chim là để ý thức rõ hơn hoàn cảnh thực tại của mình. Đó là tư thế của người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu: phải tiêu diệt kẻ thù cho đàn chim được tự do ca hát, con người được tự do thưởng thức.

          Hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm gắn chặt với những kỷ niệm của những ngày còn đi học. Vì thế thơ anh rất dễ đi vào lòng bạn đọc trẻ. Bài thơ viết về một việc bình thường (nghe chim kể chuyện) nhưng lại diễn ra trong hoàn cảnh không bình thường (trên đồi chốt). Điều đó nhắc ta rằng cái đẹp vẫn ở quanh ta, hãy biết mở lòng ra đón nhận.

                                                                             Tịnh Khê, tháng 9-2013